Tin sáng 19/2: Mua vàng ngày vía Thần Tài, lãi 39 triệu đồng/lượng sau 5 năm; Hà Nội sắp đón những ngày nóng bất thường trong tháng 2

Không chỉ để tích luỹ phòng ngừa rủi ro, khoảng hơn 10 năm gần đây, vào ngày vía Thần Tài, mọi người thường đổ xô đi mua vàng cầu cho năm mới làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt và tài lộc, thịnh vượng.

Mua vàng ngày vía Thần Tài, lãi 39 triệu đồng/lượng sau 5 năm

"Sau khi bán vàng đã mua trong ngày vía Thần Tài, tôi lãi hơn 39 triệu đồng/lượng. Đây là khoản lãi không ngờ tới khi mua vàng cầu may từ những năm trước đó". Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Xuân ở Hoàng Mai (Hà Nội) với PV. VietNamNet sau khi bán hết số vàng mình đã mua vào ngày vía Thần Tài từ năm 2019-2023.

Chị nhớ, 2019 là năm đầu tiên mình đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài . Khi đó, gom hết tiền mừng tuổi của các con, tiền thưởng Tết của vợ chồng chị cũng mua được 2 lượng vàng miếng SJC.

“Mua xong, nhiều người nói tôi sẽ bị thiệt bởi ngày vía Thần Tài giá vàng thường bị đẩy lên mức cao sau đó lại giảm mạnh”, chị nói. Thế nhưng, vừa mua cầu may và vừa để tích lũy nên chị không quan tâm quá nhiều về mức giá chênh lệch đó.

Các năm sau, vào ngày vía Thần Tài chị tiếp tục mua vàng. Tùy vào khả năng tài chính của gia đình, chị mua lượng vàng phù hợp. Có năm chị gom tiền chỉ mua được 1 lượng, cũng có năm mua được 2-3 lượng. Như năm ngoái, vàng miếng SJC giá 67,2 triệu đồng nên chị chỉ mua được 1 lượng.

tin-sang-192-mua-vang-ngay-via-than-tai-lai-39-trieu-dongluong-sau-5-nam-ha-noi-sap-don-nhung-ngay-nong-bat-thuong-trong-thang-2

Nhiều người có thói quen mua vàng vào ngày vía Thần Tài và giữ lại số vàng này trong nhiều năm (Ảnh: Tâm An)

“Giữ số vàng đó suốt mấy năm, nay tôi đem bán hết”, chị Xuân nói. Theo đó, 2 lượng vàng chị mua năm 2019 lãi hơn 39 triệu đồng/lượng; vàng mua năm 2020 lãi gần 32 triệu đồng/lượng... Ngay cả lượng vàng miếng mua năm ngoái đến nay đem bán cũng gần 10 triệu đồng/lượng.

Nhẩm tính, sau 5 năm “ôm” tiền đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài, nay đem bán lãi gần 230 triệu đồng, chị Xuân khoe.


Với nhiều người Việt, vàng không chỉ đơn thuần là phương tiện đầu tư mà là kênh trú ẩn an toàn. Người dân muốn giữ vàng để đề phòng bất trắc, rủi ro. Theo ước tính, có khoảng 400 tấn vàng vẫn nằm trong két của người dân.

Không chỉ để tích luỹ phòng ngừa rủi ro, khoảng hơn 10 năm gần đây, vào ngày vía Thần Tài, mọi người thường đổ xô đi mua vàng cầu cho năm mới làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt và tài lộc, thịnh vượng.

Ở nước ta, mỗi dịp vía Thần Tài, hàng trăm nghìn người lại kéo nhau đến cửa hàng mua vàng. Có người chỉ mua 0,5 chỉ, cũng có người mua vài lượng, thậm chí vác cả bao tải tiền đi mua vàng bất chấp giá biến động mạnh sau ngày vía Thần Tài.

tin-sang-192-mua-vang-ngay-via-than-tai-lai-39-trieu-dongluong-sau-5-nam-ha-noi-sap-don-nhung-ngay-nong-bat-thuong-trong-thang-2

Giá vàng ngày vía Thần Tài chiều bán ra tăng mạnh qua các năm (Đồ họa: Tâm An)

Vậy, những người mua vàng vào ngày Thần Tài, nếu giữ đến nay sẽ thu về khoản lãi như thế nào?

Thực tế, từ 2018 đến nay, giá vàng bước vào chu kỳ biến động dữ dội theo đà tăng dựng đứng. Từ mốc 36,44 triệu đồng/lượng chiều bán ra trong phiên giao dịch đầu năm 2018 đã vọt lên đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng/lượng vào ngày 27/12/2023, sau đó rớt còn 74,02 triệu đồng trong phiên giao dịch cuối năm 2023.

Giá vàng SJC chốt phiên hôm 16/2 hạ nhiệt còn 78,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra sau khi tăng lên đỉnh cao 79 triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng do sức mua tăng mạnh dịp lễ Thần Tài.

Theo đó, trong giai đoạn từ 2018-2023, giá vàng ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) ghi nhận đà tăng qua từng năm.

Cụ thể, ngày vía Thần Tài năm 2018 (25/2/2018), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng ở mức 37,04 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Vào ngày vía Thần Tài 2019 (14/2/2019), giá vàng miếng SJC ghi nhận ở mức giá 37,07 triệu đồng/lượng. Mức giá này gần như không biến động so với ngày vía Thần Tài 2018.

tin-sang-192-mua-vang-ngay-via-than-tai-lai-39-trieu-dongluong-sau-5-nam-ha-noi-sap-don-nhung-ngay-nong-bat-thuong-trong-thang-2

Mức lợi nhuận khi mua vàng ngày vía Thần Tài và bán ra vào phiên cuối năm (đồ họa: Tâm An)

Ngày vía Thần Tài 2020 (3/2/2020), vàng miếng SJC có giá 44,42 triệu đồng/lượng (bán ra). So với ngày vía Thần Tài 2019, giá vàng miếng tăng 7,35 triệu đồng/lượng.

Đến năm 2021, ngày vía Thần Tài (21/2/2021) giá vàng SJC ở mức 56,37 triệu đồng/lượng. Còn ngày vía Thần Tài năm 2022 (10/2/2022), kim loại quý này được niêm yết với giá 62,67 triệu đồng/lượng.

Ngày vía Thần Tài năm ngoái (31/1/2023), giá vàng miếng SJC ở mức 67,72 triệu đồng/lượng bán ra.

Rất nhiều người đi mua vàng Thần Tài để lấy may nên sẽ giữ số vàng này đến cuối năm mới đem bán. Theo đó, những người mua vàng vào ngày vía Thần Tài năm 2018 đến cuối năm đem bán sẽ lỗ 0,71 triệu đồng mỗi lượng.

Tuy nhiên, mua vàng ngày vía Thần Tài năm 2019 và bán vào phiên giao dịch cuối năm lãi 5,13 triệu đồng/lượng; năm 2020 lãi 11,13 triệu đồng/lượng; từ năm 2021-2023 lãi lần lượt là 4,38 triệu đồng/lượng, 3,23 triệu đồng/lượng và 3,28 triệu đồng/lượng.

Còn nếu giữ vàng mua trong ngày vía Thần Tài từ năm 2018 đến nay (16/2/2024), sẽ có mức lãi khoảng 9 triệu đồng đến 39,56 triệu đồng mỗi lượng, tuỳ năm mua.

Hà Nội sắp đón những ngày nóng bất thường trong tháng 2 

Trong 3-4 ngày tới, nhiệt độ cao nhất của Hà Nội có thể chạm mốc 32-33 độ, cao bất thường so với nhiệt độ trung bình trong tháng 2. Trong khi đó, khu vực Tây Bắc có thể có nắng nóng cục bộ đầu tiên của năm nay. Đông Nam Bộ nhiều ngày tới tiếp tục nắng nóng gay gắt. Tiền Phong đưa tin.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ 19-22/2, các tỉnh miền Bắc duy trì hình thái thời tiết sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng, nền nhiệt khá cao. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 30-33 độ. Riêng khu vực Tây Bắc Bộ trong các ngày từ 20-22/2 có thể xuất hiện nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất từ 34-35 độ, có nơi trên 36 độ.

Thủ đô Hà Nội từ 19-22/2 duy trì hình thái thời tiết sáng sớm nhiều mây, có sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều hửng nắng. Nhiệt độ ngày 19/2 dao động từ 20-29 độ, ngày 20/2 từ 19-30 độ, ngày 21/2 từ 19-32 độ, ngày 22/2 từ 20-31 độ.

Tại các tỉnh Đông Nam Bộ, trong những ngày tới tiếp tục xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, một số nơi có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất lên tới 38 độ.

TPHCM trong khoảng 10 ngày tới liên tục duy trì thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ. Trời không mưa, chỉ số tia UV ở ngưỡng gây hại cao đến sức khoẻ con người.

tin-sang-192-mua-vang-ngay-via-than-tai-lai-39-trieu-dongluong-sau-5-nam-ha-noi-sap-don-nhung-ngay-nong-bat-thuong-trong-thang-2

Miền Bắc sắp tăng nhiệt mạnh.

Cơ quan khí tượng nhận định, nắng nóng gay gắt còn kéo dài nhiều ngày tới ở TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Năm nay nóng được nhận định đến sớm và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, hiện tượng El Nino còn duy trì đến tháng 4 với xác suất trên 90%, sau đó suy yếu và chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5-7 với xác suất 60%, cuối năm 2024 có khả năng chuyển sang La Nina với xác suất 50-60%.

Nếu kịch bản này xảy ra, nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, Tây Bắc Bắc Bộ và có phía Tây của Bắc Trung Bộ khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Từ tháng 3-5, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,5 độ so với trung bình nhiều năm.

Trước đó, Việt Nam trải qua năm 2023 nóng thứ hai trong lịch sử, chỉ sau năm 2019. Nhiệt độ trung bình trên toàn quốc năm 2023 cao hơn 1,09 độ so với TBNN. Đáng chú ý, hầu hết các tháng trong năm đều quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ, đặc biệt các tháng 5 và 6.

Nghẽn mạng đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực: Đại học Quốc gia Hà Nội nói gì? 

Sáng 18/2, Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức mở cổng đăng ký dự thi, kỳ thi đánh giá năng lực (HAS) 3 đợt đầu tiên của năm 2024. Các đợt thi HSA 401 (thi ngày 23 - 24/3), HSA 402 (thi ngày 6 - 7/4) và HSA 403 (thi ngày 20 - 21/4) được thiết kế phục vụ trên 51.500 lượt thi tại 17 địa điểm thi.

tin-sang-192-mua-vang-ngay-via-than-tai-lai-39-trieu-dongluong-sau-5-nam-ha-noi-sap-don-nhung-ngay-nong-bat-thuong-trong-thang-2

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai kỳ thi đánh giá năng lực với khoảng 6 đợt thi.

Tuy nhiên, do số lượng tài khoản truy cập để đăng ký suất thi quá đông (đến 9h25, số lượt truy cập trên 96.200 tài khoản) đã khiến hệ thống đăng ký thi bị nghẽn, dẫn đến việc nhiều thí sinh, phụ huynh không thể truy cập vào hệ thống để đăng ký thi.

Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội và trên trang fanpage chính thức của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều thí sinh, phụ huynh đồng loạt chia sẻ, không thể làm gì trong hàng tiếng đồng hồ. “Đã hơn 1 giờ trôi qua mà vẫn không thể vào được. Khóc”, tài khoản facebook có tên Xuân Diệu bày tỏ.

Tương tự, một tài khoản facebook khác có tên An Minh cũng chia sẻ: “Cả nhà ngồi canh mà mãi chưa được là sao đây”.

Trước tình hình này, trả lời trên Lao Động Thủ Đô, Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khuyến cáo thí sinh, phụ huynh bình tĩnh đăng nhập khi mạng thông trở lại. Cổng đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực vẫn tiếp tục mở đến khi ca thi đủ số lượng thí sinh dự thi và chỉ đóng cửa trước ngày thi chính thức 14 - 18 ngày. 

Hoàn thành xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trước ngày 31/3

Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các quy định để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính Nhà nước hoàn thành trước ngày 31/3/2024. Thôn tin trên Lao Động Thủ Đô.

Theo đó, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ khung khổ pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, hoàn thành trước tháng 6/2024.

Rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung, hoàn thành trong quý II/2024.

tin-sang-192-mua-vang-ngay-via-than-tai-lai-39-trieu-dongluong-sau-5-nam-ha-noi-sap-don-nhung-ngay-nong-bat-thuong-trong-thang-2

Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các quy định để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính Nhà nước, hoàn thành trước ngày 31/3/2024; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và các quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm...

Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung xây dựng vị trí việc làm để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Sân bay chưa hạ nhiệt

Ngày 18/2, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến phục vụ hơn 153.800 khách. Trong khi những ngày cao điểm cận và trong Tết, lượng khách chỉ khoảng 100.000-130.000 lượt/ngày. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất khai thác gần 1.000 chuyến bay. Trong số này có gần 500 chuyến bay đi, gần 500 chuyến bay đến.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về tình trạng chờ đợi ở khâu nhận hành lý, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, khung 12h như phản ánh trên có hơn 3.000 khách đến sân bay.

"Lượng khách khá đông nên hành lý trả hơi chậm, bình thường thời gian trả hành lý khoảng 30-45 phút", đại diện Cảng vụ hàng không nói.

tin-sang-192-mua-vang-ngay-via-than-tai-lai-39-trieu-dongluong-sau-5-nam-ha-noi-sap-don-nhung-ngay-nong-bat-thuong-trong-thang-2

Hành khách chen nhau chờ nhận hành lý sau khi hạ cánh (Ảnh: Thư Trần).

Đại diện Cảng vụ cũng cho hay do lượng khách sau Tết tăng mạnh, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã tăng cường 100% nhân lực, đồng thời mở khai thác thêm cửa đến khu vực băng chuyền số 1. Các đơn vị khác cũng tăng cường nhân viên hỗ trợ, căng dây phân luồng cho hành khách.

"Khu vực đón xe taxi, xe công nghệ đông khách. Tuy nhiên các hãng xe đều tăng cường nhân viên và xe. Đến nay sân bay chưa ghi nhận hiện tượng ùn tắc, thiếu xe", đại diện Cảng vụ cho hay.

Lượng khách qua sân bay trong 3 ngày trở lại sau kỳ nghỉ Tết tăng liên tiếp. Cụ thể gần 148.000 khách vào mùng 6, hơn 150.000 khách vào mùng 7, mùng 8 là 154.000 khách và nay là hơn 153.000.

 

Theo GiaDinh