Tổng cục Hải quan lên tiếng trước thông tin sữa Meiji "giả"

Việc hãng sữa Meiji Nhật Bản cho rằng sữa Meiji tiêu thụ trên thị trường là không đúng với chuẩn của Việt Nam và có thể tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện hàng giả, hàng nhái. Mới đây, Tổng cục Hải quan đã trả lời về thông tin trên và yêu cầu Meiji cung cấp nhiều hơn những thông tin cần thiết…

Trong văn bản trả lời báo chí và hãng sữa Meiji (Nhật Bản) mới đây, Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty Meiji cung cấp thông tin cụ thể hơn về các nội dung Công ty phản ảnh về các trường hợp hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… để đơn vị phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan triển khai các bước cần thiết tiếp theo.

Tổng cục Hải quan khẳng định chưa nhận được thông tin nào phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn vào hàng Nhật Bản trên thị trường Việt Nam. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng chưa nhận được phản ảnh của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và của các Cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các thông tin doanh nghiệp phản ảnh nêu trên.

Trong văn bản, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, việc bảo hộ đối với nhãn hàng sữa Meiji tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, do đó đề nghị Công ty thực hiện thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu này tại Việt Nam.

“Để có cơ sở triển khai bảo hộ nhãn hiệu sữa Meiji trên thị trường Việt Nam, đề nghị quý Công ty nghiên cứu quy định tại các Điều 73, 74, 75 và 76 Luật Hải quan để thực hiện các thủ tục bảo hộ cần thiết trước cơ quan hải quan theo đúng quy định hiện hành của pháp luật”, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.

Trước đó, vào ngày 22/4/2016, hãng sữa Meiji đã có công văn gửi các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó có Tổng cục Hải quan. Theo nội dung công văn này, hãng Meiji đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam không cấp phép nhập khẩu, thông quan đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu sữa Meiji tiêu thụ nội địa Nhật Bản về Việt Nam.

tong-cuc-hai-quan-len-tieng-truoc-thong-tin-sua-meiji-gia
Tổng cục Hải quan lên tiếng trước thông tin sữa Meiji "giả".


Lý do vì hãng sữa Meiji đã có nhà nhập khẩu ủy quyền tại Việt Nam, đồng thời có hiện tượng sữa Meiji tiêu thụ nội địa Nhật Bản xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Trong khi chất lượng sữa Meiji nội địa Nhật Bản không đúng với tiêu chuẩn sữa tương tự ở Việt Nam, lại tiềm ẩn nguy cơ có thể bị hàng nhái, hàng giả trà trộn.

Và đến ngày 16/6, Cục Giám sát quản lý đã có công văn số 802/GSQL-GQ1 trả lời Công ty cổ phần Meiji và kể từ đó đến nay Tổng cục Hải quan chưa nhận được các thông tin do hãng sữa Meiji cung cấp về việc có các sản phẩm sữa Meiji sản xuất để tiêu thụ nội địa Nhật Bản nhưng lại tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.

Công ty sữa Meiji của Nhật bày tỏ mong muốn chỉ định một nhà nhập khẩu duy nhất tại Hà Nội, được uỷ quyền nhập và bán các dòng sản phẩm của họ ở Việt Nam.

Theo đó, hãng này thừa nhận sữa Meiji nội địa Nhật Bản (sản phẩm sản xuất hướng đến thị trường Nhật và đang được lưu thông tại nước này) không đúng với chuẩn ở Việt Nam. Cụ thể là thành phần biotin, choline, mangan i-ốt trong sữa bột công thức Meiji nhãn hiệu Hohoemi (số 0 - cho trẻ dưới 12 tháng) và thành phần biotin, kẽm, i-ốt trong sữa Meiji nhãn hiệu Step (số 9 - cho trẻ từ 1-3 tuổi) đáp ứng các quy định của Nhật nhưng lại không hợp chuẩn của Việt Nam.

"Điều này là do sự khác biệt trong tiêu chuẩn về thành phần dinh dưỡng và nhu cầu các chất khác nhau giữa người Nhật và người Việt", hãng Meiji giải thích.

Việc sữa nội địa Nhật có hàm lượng i-ốt thấp hơn so với nhu cầu của trẻ em Việt (do thói quen ăn uống và sinh hoạt của người Nhật) đã được cảnh báo nhiều nhưng sữa Meiji nội địa vẫn được ưa dùng và tiêu thụ với số lượng lớn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sở dĩ hàm lượng này thấp so với chuẩn Việt Nam bởi Chính phủ Nhật không cho phép bổ sung i-ốt vào sữa công thức cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, Meiji cũng đề cập việc không loại trừ hàng nội địa Nhật Bản này khi đem về Việt Nam được bảo quản không đúng cách dẫn đến chất lượng xuống cấp hoặc khả năng hàng giả trà trộn trên thị trường. Do đó, Meiji đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam không cấp phép nhập khẩu và không thông quan với sản phẩm Meiji nội địa Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.

Theo Trần Lợi (tiêudùng24g)