Xúc động những ước nguyện trong đời GS Trần Văn Khê

Cuối đời, Trần Văn Khê vẫn còn một số ước nguyện khiến ông trăn trở vì chưa thực hiện được.

Do tuổi cao sức yếu, rạng sáng 24/6, GS TS Trần Văn Khê, người nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc qua đời ở tuổi 94, để lại muôn vàn tiếc nuối cho người thân, bạn bè, hậu sinh.

Nói đến cái tên Trần Văn Khê thì không chỉ người Việt Nam mà cả những người nổi tiếng đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc của thế giới đều biết, ông là người đã tâm huyết dành trọn cuộc đời của mình cho dân ca - dân nhạc Việt Nam.

Ông bỏ tâm huyết cả đời mình cống hiến với mong muốn duy nhất là làm sao đưa âm nhạc cổ truyền Việt Nam không những giới trẻ trong nước biết được mà còn đến được với cả thế giới. 

Ông dành 56 năm làm việc và sinh sống tại Pháp, tới 67 quốc gia chỉ để nói chuyện duy nhất về âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Từ yêu thích giữ gìn đến bảo tồn và không ngừng phát huy cái đẹp truyền thống của cha ông.

Có thể khẳng định rằng âm nhạc cổ truyền Việt Nam được cả thế giới biết đến đó là nhờ một phần công sức quảng bá của GS Trần Văn Khê. Và ước nguyện lớn nhất trong cuộc đời người GS tài năng đã thực hiện được.


Ngón đờn nổi tiếng khắp thế giới của GS TS Viện sĩ Trần Văn Khê

Có một chuyện khác mà có lẽ không nhiều người biết đến về GS Trần Văn Khê. Đó là khi điện ảnh mới du nhập vào VN (dân miền Nam lúc đó gọi coi phim là 'coi xi nê', nam diễn viên gọi là 'tài tử', nữ gọi là 'minh tinh'), Trần Văn Khê đã ước mơ sau này mình sẽ là 'tài tử xi nê'.

Mãi đến năm 1956, GS mới thỏa ước nguyện. Bộ phim đầu tiên ông góp mặt là phim trinh thám của Pháp mang tên 'Ba chiếc thuyền trên dòng sông' (La rivière des trois jonques).

Ở phim này, Trần Văn Khê đóng hai vai (vai cảnh sát trưởng và vai người gốc Hoa chủ tiệm đồ cổ), bên cạnh hai diễn viên chính là Dominique Wims và Jean Gaven.

Thế nhưng, bên cạnh những ước mơ đã đạt được, ông vẫn còn rất nhiều điều trăn trở. Trước tiên, là cái sự 'đốt đuốc đi tìm học trò'.

Có quá ít người quan tâm đến âm nhạc dân tộc, chưa kể thù lao với những nhạc công dân tộc rất thấp so với nhạc công chơi piano hay violon... Từ đó dẫn đến tâm lý vọng ngoại, muốn tránh nhạc dân tộc.

Điều trăn trở thứ hai của ông đó là làm sao đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy ở nhà trường, từ cấp 1 trở lên, để cho các thế hệ mai sau này, dù có đi theo các trào lưu âm nhạc thời thượng trên thế giới thì cũng biết nghe, biết cảm, biết trình tấu âm nhạc dân tộc.

Đó là nguyên ước lớn lao của ông mà ông chưa thực hiện được, dù đã bỏ biết bao tâm sức.

Những giây phút cuối đời, sự minh mẫn và tỉnh táo đã đưa ông đến những mong muốn, mà ông gọi là ước mơ, có thể nói là cuối cùng của cuộc đời mình. 

Ông mong muốn khi phải chia tay thế giới này sẽ được an táng theo nghi thức của Phật giáo, mặc dù ông thừa nhận mình không theo một tôn giáo nào.

Sống vì âm nhạc, vị giáo sư đáng kính cũng mong muốn được tiễn đưa bằng những nốt nhạc, những bản hòa tấu ấy.

Vì thế, tại tang lễ, sẽ có một ban nhạc đờn ca tài tử gồm những người bạn thân và môn sinh của ông hòa tấu một buổi đặc biệt.

Trong bản di nguyện, ở mục 9 (Nhà lưu niệm Trần Văn Khê), ông Khê ước mong sau khi qua đời tư gia của ông sẽ được giữ lại để chuyển thành Nhà lưu niệm Trần Văn Khê.

Trong Nhà lưu niệm sẽ lưu giữ các kỷ vật liên quan đến cuộc đời thường ngày và cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông.

Đặc biệt là có thư viện với nhiều hiện vật ông đem từ Pháp về như: sách báo, đĩa nhạc, các nhạc cụ - nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh...

Ông ao ước Ban quản lý Nhà lưu niệm sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho những người có nhu cầu đến đây tham khảo, nghiên cứu...

 

Một góc kho băng - đĩa của GS Trần Văn Khê

Tập quán của dân tộc về việc phúng điếu người đi về cõi vĩnh hằng cũng tác động tới một trong những cuối cùng của giáo sư Trần Văn Khê.

Ông phân biệt rất rạch ròi với người thân trong nhà: 'Chi phí lo tang lễ thì sử dụng tiền mặt của tôi hiện có tại nhà.

Nếu thiếu thì Trần Thị Thủy Ngọc con gái út của tôi sẽ lấy tiền trong sổ tiết kiệm của tôi tại Việt Nam để chi phí.

Riêng tiền phúng điếu thì ban tang lễ có thể sử dụng để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê hàng năm trao cho người có công trình nghiên cứu tốt về âm nhạc truyền thống Việt Nam'. 

Những di nguyện và ước mơ đầy tính nhân văn, thấm đẫm nghĩa tình của GS TS Trần Văn Khê đã khiến nhiều người không khỏi xúc động...

Chắc chắn rằng những tinh hoa của nền âm nhạc Việt Nam mà giáo sư Trần Văn Khê tâm huyết cả cuộc đời gìn giữ được đưa từ Pháp về Việt Nam sẽ là kho báu vô giá để mọi người yêu thích có nơi đến đọc, nghiên cứu... sẽ trở thành hiện thực như di nguyện của ông.

Theo tinngan

xuc-dong-nhung-uoc-nguyen-trong-doi-gs-tran-van-khe