Cảnh báo những tai nạn nguy hiểm khi sử dụng kính áp tròng

Giới trẻ hiện nay rất ưa chuộng việc sử dụng kính áp tròng. Tuy nhiên, có khá nhiều nguy hiểm rình rập khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm này

Nhiễm trùng mắt

Việc dùng kính áp tròng không thể đảm bảo vệ sinh 100% như kính gọng. Bởi bề mặt kính áp tròng có chứa rất nhiều vi khuẩn, do kính đeo gần mắt, nên các vi khuẩn càng dễ dàng xâm nhập vào mắt, gây nên các bệnh khô mắt, đau mắt.

tác hại kính áp tròng
Kính áp tròng được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng

Ngoài ra, việc ngâm rửa kính thường xuyên trong dung dịch rửa kính tưởng là sạch trùng, nhưng thực ra lại gieo dắt thêm mầm bệnh. Các nhà khoa học Áo đã tìm thấy trong dung dịch nước rửa kính vẫn tồn tại một loại ký sinh trùng tên là acanthamoeba. Loại ký sinh trùng này có thể tồn tại rất lâu, cho dù bạn có ngâm kính trong dung dịch đến nửa ngày. Loại ký sinh trùng này khi tiếp xúc với mắt có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng mắt nguy hiểm.

Tai nạn khi đeo kính đi bơi, đi tắm

Hiện nay, có rất nhiều loại kính áp tròng có thể đeo cả khi đi tắm, đi bơi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các bác sĩ vẫn khuyên chúng ta nên bỏ kính khi tham gia các hoạt động bơi lội hay khi đi tắm bởi điều này cũng rất dễ làm xảy ra các tai nạn nguy hiểm. Khi tiếp xúc với nước, kính áp tròng có thể “trôi” khỏi vị trí ban đầu, làm ảnh hưởng tới tầm nhìn và còn có thể gây tổn thương tới đôi mắt.


Không chỉ thế, loại kí sinh trùng Acanthamoeba đã được tìm thấy trong nước máy, nước bể bơi hay ngoài biển hoàn toàn có thể “bám” vào kính áp tròng, sau đó tấn công trực tiếp giác mạc, ăn mòn chúng… Điều này vô cùng nguy hiểm bởi nó sẽ khiến thị lực bị suy giảm nhanh chóng, dẫn đến mù lòa chỉ trong thời gian một tuần. 

Viêm giác mạc

Nghiên cứu mới cho thấy, tại miền nam nước Anh, những người đeo kính áp tròng hay bị một bệnh nhiễm trùng có thể gây mù mắt nhiều hơn 9 lần so với người đeo kính ở vùng khác. Nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt giữa các vùng chính là sự chênh lệch độ cứng của nước máy. Kết luận này được các bác sĩ tại Viện Mắt Moorfields ở London đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu tỷ lệ viêm giác mạc do amíp có gai (AK) trên toàn bộ nước Anh và xứ Wales từ 1997-1999.

tác hại kính áp tròng
Sử dụng kính áp tròng dễ dẫn đến nhiều nguy cơ gây hại cho mắt

AK là một căn bệnh hiếm gặp, với các biểu hiện đau và kích thích ở mắt; trường hợp nặng có thể gây mất thị giác vĩnh viễn. Người dùng kính nhiễm bệnh do không khử trùng kính đúng cách hoặc đeo nó cả khi đi bơi hoặc tắm vòi sen. Theo các tác giả, hàm lượng lớn canxi trong nước cứng tạo điều kiện cho amíp có gai phát triển. Bệnh nhiễm trùng xuất hiện khi người sử dụng để nước máy tiếp xúc với kính áp tròng khi bảo quản chúng hoặc khi tắm. Những kính áp tròng mềm đeo trong khoảng thời gian 1 tuần - 1 tháng có nguy cơ cao nhất.

Tai nạn khi vừa đeo kính áp tròng vừa tiếp xúc với nơi có nhiệt độ cao

Kính áp tròng là loại kính được làm từ chất dẻo, đeo bằng cách đặt trực tiếp lên bề mặt con ngươi để điều chỉnh các tật khúc xạ hay làm đẹp. Theo chỉ định của các bác sĩ nhãn khoa, khi sử dụng kính áp tròng, chúng ta cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với hơi nóng từ bếp gas, lửa, khí nóng…

Điển hình, việc đeo kính áp tròng khi đang ăn lẩu, nấu ăn, thậm chí là vào phòng tắm hơi sẽ rất nguy hiểm bởi hơi nóng sẽ làm tròng kính bị co lại, gây tổn thương cho mắt, thậm chí còn dẫn đến mù lòa. Điều này vô cùng nguy hiểm, vì thế, cần tuyệt đối tránh xa nguồn nhiệt, nơi có nhiệt độ cao khi đang đeo kính áp tròng để đảm bảo an toàn cho đôi mắt.

Theo San San (NTD)