Chương trình 'Bố ơi! Mình đi đâu thế?' xúc phạm trẻ em tự kỷ?

 Mới đây, báo điện tử Một Thế Giới nhận được thông tin trong chương trình truyền hình thực tế Bố ơi! Mình đi đâu thế? đã mang hình ảnh "hố tự kỷ" ra làm trò chơi. Điều này, đối với những người trong Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN) cảm thấy bị xúc phạm, ảnh hưởng tới sự phát triển và hình thành nhân cách cho các trẻ em đang bị tự kỷ.

Cụ thể, ở tập 18 của chương trình Bố ơi! Mình đi đâu thế?, 4 cặp bố con trải qua một chương trình tại đảo Kim Cương, họ bước vào vòng chơi mang tên Vòng xoay Kim Cương. Những người tổ chức chương trình đã sử dụng ô hình phạt là "hố tự kỷ" bên cạnh các ô "thư giãn, tấn công" khác để tạo động lực cho các đội chơi. Nếu đội nào quay vào ô "hố tự kỷ", cặp bố con phải xuống dưới hố đã đào sẵn ngồi trong vòng vài phút rồi mới được lên.

Cộng đồng những người tự kỷ đã có chia sẻ ý kiến cho rằng không nên mang hình ảnh "hố tự kỷ" ra như một trò đùa khi hiện nay có hàng vạn phụ huynh có con em tự kỷ và họ cảm thấy rất đau lòng khi hình ảnh này được đưa ra làm trò chơi, được mang ra sử dụng để làm "hình phạt" cho đội chơi nào chơi kém hơn.


Lời chia sẻ của Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam với chương trình Bố ơi! Mình đi đâu thế?

Trong nội dung trao đổi, bà Trần Hoa Mai - Phó chủ tịch Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam cho hay: Tự kỷ là một khuyết tật phát triển, điều đó đã được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khẳng định trong Nghị quyết 62/139 năm 2007. Liên hợp quốc cũng khuyến nghị các quốc gia quan tâm đến vấn đề tự kỷ và lấy ngày 2.4 là Ngày Thế giới Nhận thức Chứng tự kỷ. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang hướng tới nhận thức đúng và chia sẻ với Người tự kỷ và Gia đình của họ bằng nhiều chính sách, hành động tích cực và sự ra đời của VAN là một trong những hành động đó.

Nội dung của tập 18 chương trình Bố ơi! Mình đi đâu thế? đã vô tình tạo ra nhận thức sai về tự kỷ, cổ vũ cách dùng từ tự kỷ để chỉ trạng thái cô độc, lập dị, và cũng vô tình tạo ra định kiến không hay về khuyết tật tự kỷ. Điều này không phù hợp với với những giá trị nhân văn mà tất cả chúng ta đều hướng tới.


Nó cũng trái với khuyến nghị nói trên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, chúng tôi băn khoăn về giá trị giáo dục của chương trình, vì qua đây con trẻ không được giáo dục về ý thức cảm thông và chia sẻ vời người khuyết tật.

"Có thể sự việc trên là vô tình vì kiến thức là mênh mông nên chúng tôi muốn trao đổi một cách nhẹ nhàng trên tinh thần xây dựng để tìm ra giải pháp đúng và tốt nhất cho câu chuyện này" - bà Mai nói.

Liên lạc với đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC), ông cho biết: Hiện nay ông đang đi công tác và chưa nhận được bất cứ thông tin nào về nói về hình ảnh "hố tự kỷ" của chương trình nên không thể có câu trả lời ngay lập tức gửi tới báo chí.

Bên cạnh đấy ông Hải cũng nhấn mạnh chương trình Bố ơi! Mình đi đâu thế? là chương trình truyền hình thực tế, chính vì thế đây là một chương trình đúng chất “thực tế” và nhiều thông điệp sâu sắc mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Theo vị đạo diễn, việc sản xuất chương trình thực tế sẽ chỉ là sự cộng hưởng, áp dụng thủ pháp trong truyền hình thực tế để giúp ê-kíp sản xuất làm tốt hơn công việc làm phim hiện tại.

Bên cạnh đó, trong quá trình quay sẽ phát hiện ra nhiều đề tài, nhân vật, chi tiết từ cuộc sống, xã hội hiện nay, góp phần làm phong phú, đa dạng nội dung, cách thể hiện trong các bộ phim truyền hình.

Theo Minh Khuê (MTG)