Giàu có ẩm thực Việt

Ít có dân tộc nào trên thế giới có được thực đơn phong phú, đa dạng như người Việt. Không kể đến các món ăn quý tộc kiểu cung đình Huế hay một số món cao lương mỹ vị pha trộn kiểu Tàu, kiểu Tây.

Chỉ các món ăn dân dã đã có hàng trăm, hàng ngàn món, mỗi món lại có cách chế biến khác nhau, tạo những hương vị đặc trưng của từng vùng miền.

Thú vị nhất là chỉ từ gạo - lương thực chính của người Việt - đã được chế biến thành vô số thực phẩm bổ dưỡng, ngon lành: Từ cơm, cháo, bún, phở, hủ tíu đến các loại bánh: bánh cuốn, bánh bèo, bánh xèo, bánh đúc, bánh khọt, bánh tráng, bánh nậm, bánh giò, bánh ướt, bánh hỏi, bánh canh… Riêng bánh phở chỉ nấu với thịt bò hay thịt gà cùng một ít gia vị, rau thơm, thoạt trông khá đơn giản nhưng khi đã ăn vào thì sẽ nhớ mãi.

Các tiệm phở “hàng hiệu” sang trọng giá cao ngất nhưng vẫn đông thực khách - cả người nước ngoài. Phở cũng đã đi vào văn học. Tùy bút Phở của Nguyễn Tuân rất nổi tiếng ở miền Bắc giữa những năm 50. Trước đó vài mươi năm, trong tập tùy bút Hà Nội ba mươi sáu phố phường, Thạch Lam đã mô tả phở Hà Nội - cả những gánh phở bán rong trên đường phố tuyệt hay. Vũ Bằng trong các tập tản văn Món ngon Hà Nội in ở Sài Gòn trước 1975 đã nhắc nhiều đến phở cùng những món quà Hà Nội khác với nỗi nhớ nhung quay quắt. Hiện nay phở đã thành “siêu tác phẩm ẩm thực” của người Việt vang danh bốn biển năm châu, đến nỗi cùng với từ “áo dài” - y phục đặc trưng của phụ nữ Việt thì từ “phở” cũng không cần dịch ra tiếng nước khác mà giữ nguyên từ gốc “Ao dai” và “Pho”.

Nói về văn hóa ẩm thực, một nhà văn nổi tiếng khác ở miền Nam trước 1975 là Võ Phiến đã viết: “Người ta không chỉ ăn bằng mồm. Con người ăn là ăn cả gốc gác quê hương, bằng phong tục tập quán của mình, bằng cái khí chất riêng biệt của cơ thể mình, cũng như bằng lịch sử, bằng trình độ văn hóa của xứ sở mình…” (Ăn và Đọc - Tân Văn, Sài Gòn 1973). Võ Phiến giải thích tại sao ăn lại có chuyện lịch sử bằng kinh nghiệm bản thân ông, một người Bình Định. Ông viết, người Bình Định nhiều khi ăn bánh tráng thay cơm, đi xa nhớ bánh tráng giống người Việt đi nước ngoài nhớ cơm. Và ông nhắc chuyện đoàn quân của Quang Trung thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc, vừa đi vừa tuyển quân vừa huấn luyện là nhờ ăn lương khô - bánh tráng Bình Định - đã đánh tan 29 vạn quân Thanh.

Trước đây nhiều người Việt hay nhắc câu “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây…”, ý nói cơm Tàu ngon nhất, nhà Tây sạch đẹp nhất… Thật ra thực đơn của người Hoa có phân cấp rất rõ ràng: Người giàu sang với các món cao lương mỹ vị nặng tính cầu kỳ, nhiều màu sắc; còn thực đơn của người Hoa bình dân cũng nặng về trình bày cùng các món chiên xào lắm dầu mỡ béo ngậy... Thực đơn Việt đa dạng, phong phú hơn nhiều. Nhiều món lạ nhưng chế biến không cầu kỳ. Mỗi vùng miền lại có những đặc sản độc đáo. Trong tập tản văn Món lạ miền Nam in ở Sài Gòn trước 1975, nhà văn Vũ Bằng (gốc Bắc, lấy vợ người Nam) tả nhiều món ăn rất lạ, nhiều người mới nghe đã hết hồn: đuông dừa, chuột đồng, cháo cóc, dơi huyết, bò kiến (thịt bò treo cho kiến lửa bu vào cắn, chờ nọc kiến làm tái thịt thì ăn). Nhưng khi ta bị đẩy vào trường hợp không thể từ chối thì “cũng liều nhắm mắt” cắn một miếng, thấy ngon ngon, cắn thêm một miếng, rồi lại muốn ăn thêm nhiều miếng nữa!

Nếu như trước kia thời còn khó khăn, đa số người Việt chỉ mong được ăn no mặc ấm, khi được đọc các áng văn hay của các nhà văn bậc thầy tả các món ngon, món lạ cũng đã thấy chảy nước miếng! Bây giờ khi đời sống đã no đủ, người ta có nhu cầu ăn ngon mặc đẹp nên trên truyền hình ngày càng dày hơn những chương trình về ẩm thực. Từ giới thiệu quảng cáo thực phẩm đến các đầu bếp nổi tiếng dạy nấu ăn, rồi các bác sĩ dược sĩ chỉ bày cách ăn uống sao cho bổ khỏe, nên nhiều người đã bỏ công sưu tầm các món ngon vật lạ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.


Việt Nam với nhiều cảnh trí kỳ vĩ tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng cùng các di sản văn hóa lịch sử, ẩm thực Việt cũng là một yếu tố thu hút du khách nước ngoài, có thể coi như những “đại sứ văn hóa” nối kết cùng thế giới.

Theo PHẠM CHU SA (PLO)