Tàu Kepler của NASA tìm ra 'anh họ' của Trái Đất

Các nhà khoa học của NASA vừa tìm ra một hành tinh giống Trái Đất ở cách chúng ta 1400 năm ánh sáng, quay xung quanh một ngôi sao tương tự với Mặt Trời - thông tin được tiết lộ trong buổi họp báo sáng Thứ 5 (tức tối 23/7, giờ Việt Nam).

Kepler-452b, anh họ của Trái Đất - hành tinh mới được NASA phát hiện

Hành tinh mới được phát hiện được đặt tên là Kepler-452b là hành tinh nhỏ nhất từng được phát hiện quay xung quanh khu vực hoạt động của 1 ngôi sao loại G2 - giống Mặt Trời của chúng ta. Việc Kepler-452b được phát hiện nâng số lượng hành tinh xác nhận bởi Kepler lên con số 1030. Trong số đó, đây là hành tinh giống với Trái Đất nhất.

"Kết quả thú vị này đưa chúng ta tiến 1 bước gần hơn tới việc tìm ra Trái Đất thứ 2" - Tiến sĩ John Grunsfeld, trợ lý phụ trách của Ban chỉ đạo Nhiệm vụ khoa học của NASA tại trụ sở của cơ quan này tại Washington DC - nói trong 1 tuyên bố.

Kepler-452b có đường kính lớn hơn Trái Đất khoảng 60%. Các nhà khoa học chưa xác định được khối lượng và thành phần của nó, nhưng có vẻ Kepler-452b chủ yếu là đất đá. Khoảng cách giữa hành tinh này với ngôi sao mẹ của nó xa hơn khoảng 5% so với khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời - tuy nhiên, hành tinh xa lạ vẫn quay xung quanh khu vực hoạt động của ngôi sao mẹ.

"Đây là điều gần gũi nhất mà chúng ta có với 1 hành tinh khác giống Trái Đất" - Tiến sĩ Jon Jenkins, trưởng nhóm phân tích dữ liệu Kepler tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA ở Moffett Field, California, nói trong một buổi hội nghị từ xa. Jenkins đã dẫn đầu nhóm phát hiện Kepler-452b.

Ngôi sao mẹ của hành tinh này, có tên là Kepler-452, nhiều khả năng có tuổi đời là 6 tỉ năm, già hơn Mặt Trời của chúng ta 1,5 tỉ năm. Nó có cùng nhiệt độ với Mặt Trời của chúng ta, sáng hơn khoảng 20% và có đường kính lớn hơn khoảng 10%.


Kepler-452b có đường kính lớn hơn Trái Đất khoảng 60%, còn ngôi sao mẹ của nó thì lớn hơn Mặt Trời của chúng ta 10%.

"Thật hứng khởi khi cho rằng hành tinh này đã dành 6 tỉ năm ở trong vùng hoạt động của ngôi sao mẹ của nó; lâu hơn Trái Đất." Jenkins nói trong 1 báo cáo bằng văn bản. "Đó là cơ hội quan trọng cho việc hình thành sự sống. Những điều kiện và thành phần cần thiết cho sự sống đều tồn tại ở hành tinh này."

“Sự phát hiện hành tinh này thể hiện khả năng của Kepler có thể hoàn thành mục tiêu ban đầu của mình là phát hiện những hành tinh giống Trái Đất trong vùng có thể có sự sống của những ngôi sao như Mặt Trời, và để đo lường tần suất của chúng.” - Tiến sĩ Heather Knutson, giáo sư trợ lý khoa học hành tinh tại Viện công nghệ California, Pasadena, nói với tờ Huffington Post.

“Đây là câu hỏi về mối quan tâm quan trọng đối với các nhà khoa học về ngoại hành tinh*, và liên quan chặt chẽ đến việc tìm kiếm sự sống ngoài hệ Mặt Trời của chúng ta.”

*Ngoại hành tinh: Hành tinh quanh xung quanh một ngôi sao nằm bên ngoài hệ Mặt Trời

Ngoài việc phát hiện Kepler-452b, hành tinh Kepler-186f cũng được ghi nhận là giống Trái Đất nhất - Jenkins cho hay. Không chỉ vậy, nhóm Kepler cũng tìm ra 521 vật thể vũ trụ có thể là hành tinh, nâng số lượng những ứng viên hành tinh phát hiện bởi Kepler lên con số 4696.

Nhóm Kepler đã tìm ra nhiều ứng viên hơn sau khi phân tích dữ liệu quan sát thu thập được từ tháng 5/2009 tới tháng 5/2013. Tuy nhiên, còn cần nhiều quan sát và phân tích nữa thì các ứng viên này mới được chứng nhận là hành tinh.

Tàu vũ trụ Kepler ra mắt vào năm 2009 và từ đó đã liên tục tìm kiếm các ngoại hành tinh trong Dải Ngân hà của chúng ta. Mỗi lần Kepler sàng lọc dữ liệu, các hành tinh mới lại “bật” ra - New York Times nhận xét.

Theo Kỷ Nguyên (Huffington Post)