Thị trường cuối năm: Hàng hóa vẫn đang đợi khách

Tròn một tháng nữa sẽ kết thúc mùa kinh doanh cao điểm Tết Bính Ngọ 2016. Tại các siêu thị, hàng hóa dự trữ cho mùa tết năm nay tăng bình quân từ 10% - 20% tùy nhóm hàng. Thương nhân tại 3 chợ đầu mối của TPHCM cũng ồ ạt nhập hàng dự trữ bán tết. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn hàng chuẩn bị dồi dào, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng phập phồng lo ngại, bởi sức mua hiện còn rất chậm.

thi-truong-cuoi-nam-hang-hoa-van-dang-doi-khachGiỏ quà tặng tết bán tại siêu thị Ảnh: Cao Thăng

Sức mua quá chậm

Thông tin từ các DN, đến thời điểm này lượng hàng hóa tập trung cung ứng cho dịp tết đã đạt tới 90% kế hoạch. So với những năm trước, việc chuẩn bị hàng hóa năm nay thuận lợi hơn, đó là thời tiết ổn định, không xảy ra dịch bệnh trên gia cầm, giá nguyên liệu đầu vào không bị biến động mạnh, đặc biệt là xăng dầu đã có tới 5 đợt giảm giá liên tiếp kể từ đầu tháng 12-2015 đến nay.

Vậy nhưng, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhân cho biết, sức mua dịp Tết Dương lịch vừa qua có tăng, nhưng chưa được như mong đợi. Đáng lưu ý là ngay sau kỳ nghỉ tết, thị trường lại rơi vào tình trạng trầm lắng. Theo ông Nhân, trong 3 mùa Tết Nguyên đán gần đây, sức mua chỉ tập trung vào 10 ngày giáp tết, chứ không rải đều trong tháng tết.

Theo một chuyên gia thị trường, có nhiều lý do khiến sức mua chỉ tập trung vào ít ngày giáp tết. Đó là, kinh tế vẫn trong giai đoạn khó khăn nên người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu; lương và thưởng tết ngày càng chậm, bởi công nợ thu hồi luôn trễ so với kế hoạch; xu hướng dịch chuyển từ “ăn tết” sang “chơi tết” thể hiện ngày càng rõ nét… Trong 3 năm gần đây, tình trạng “lãng thị” trong kinh doanh tháng giêng không còn nữa, có thể do buôn bán khó khăn buộc các siêu thị, cửa hàng phải kéo dài thời gian mở cửa trong thời điểm trước tết, đồng thời mở cửa kinh doanh ngay sau tết, nên người tiêu dùng không cần trữ nhiều hàng hóa như trước đây nữa.

Trong lĩnh vực cung ứng gói quà tết, nhiều cửa hàng đang than trời vì năm nay đơn hàng đến chậm quá. Chủ cửa hàng tạp hóa H.H. trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) cho biết, thời điểm này những năm trước, cửa hàng đã có trong tay khoảng 50% đơn hàng, năm nay con số này chưa đến 20%, dù tết đã rất cận kề. Phó Tổng giám đốc phụ trách thu mua của một hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM chia sẻ, đến nay vẫn chưa có được những đơn hàng lớn, bởi phải chờ các DN lên kế hoạch. Quà tết, đặc biệt là quà tặng cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất thường phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của DN trong một năm.


Đa dạng dịch vụ để giữ chân khách

Trước mắt, để tạo đà cho sức mua trong những ngày cuối năm, nhiều hệ thống siêu thị đã phối hợp nhà sản xuất tổ chức từ 2-3 đợt khuyến mãi giảm giá, nhằm đẩy mạnh lượng bán ra, thu hồi vốn. Đại diện một hệ thống siêu thị điện máy lớn của TPHCM thừa nhận, để đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu trong năm, siêu thị đã sử dụng triệt để đòn bẩy liên kết với các đối tác triển khai các chương trình khuyến mãi, đồng thời đổi mới cách bán hàng, phát triển phương thức bán hàng trả góp.

“Nếu không có sự liên kết thì không có nhà phân phối nào đủ sức để thực hiện kích cầu tiêu dùng trong tình hình sức mua còn yếu như hiện nay. Tuy nhiên, trong khi thực hiện cũng cần lựa chọn đối tác tốt để tránh rủi ro”, đại diện siêu thị này kết luận.

Mục tiêu của các chương trình khuyến mãi là kích cầu sức mua, tăng doanh thu. Điều này ai cũng hiểu. Nhưng với thực tế đang diễn ra, các nhà kinh doanh mới chỉ đạt được một nửa của mục tiêu, đó là kích cầu sức mua, chứ chưa làm tăng doanh thu như mong muốn. Theo tính toán của một DN bán lẻ tại TP, dù nỗ lực thực hiện các đợt khuyến mãi lớn, nhưng doanh thu năm nay dự kiến chỉ tăng khoảng 10% - 15% so với năm trước.

Trong dịp kinh doanh Tết Nguyên đán 2016 sắp tới, các DN cũng không dám mơ đến mức tăng 20% như một số sở, ngành dự báo. Trên thực tế, nếu trừ đi các yếu tố như lạm phát, mở các cửa hàng và siêu thị mới, thì doanh thu gần như không tăng.

Trong bối cảnh này, rất nhiều DN bán lẻ không còn thụ động ngồi chờ khách đến, mà đã tổ chức nhiều hoạt động tiếp thị như in cẩm nang mua sắm, phát tờ rơi, tổ chức tư vấn về cách chế biến và bảo quản các loại thức ăn, đi chợ thay khách, giao hàng tận nơi… Điển hình như Saigon Co.op đã mạnh dạn tổ chức việc trao giỏ quà tết miễn phí cho khách hàng ở các tỉnh, thành đã có siêu thị Co.opmart hiện diện.

Có thể thấy, hàng hóa tết năm nay rất dồi dào, phong phú, giá bán ổn định. Tuy nhiên, do sức mua chưa có dấu hiệu tốt hơn nên DN cần tận dụng tốt các cơ hội, tăng cường các giải pháp đầu tư để giữ chân khách hàng. Cần có sự theo dõi thật sát diễn biến, sức mua của thị trường tết, từ đó có kế hoạch cung ứng nguồn hàng hợp lý, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều, phải “chôn” vốn lâu, gây lãng phí.

Theo Thúy Hải (SGGP)