Tự ý bổ sung vitamin B3 coi chừng ung thư di căn não

Nhóm nhà khoa học tại Đại học Missouri (Mỹ) cho biết, nếu tự ý bổ sung vitamin B3 sẽ có nguy cơ mắc ung thư di căn não.

Ngoài cách bổ sung vitamin từ nguồn thực phẩm, uống vitamin là cách bổ sung vi chất của hàng triệu người trên thế giới. Mặc dù các hướng dẫn liều lượng được quy định về an toàn khi sử dụng nhưng thực tế có nhiều người sử dụng nhiều liều hơn chỉ định. Tuy nhiên, việc dùng vitamin quá liều đều dẫn đến những nguy hiểm tiềm ẩn, trong số đó phải kể tới một dạng vitamin B3 là nicotinamide riboside (NR).

Nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi Phó giáo sư Elena Goun từ Đại học Missouri (Mỹ) đã chỉ ra rằng, nicotinamide riboside (NR), một dạng vitamin B3 được nhiều người sử dụng vì các lợi ích liên quan đến sức khỏe tim mạch, trao đổi chất. Vitamin B3 giúp giảm lượng cholesterol, giúp ích cho quá trình tuần hoàn máu và hình thành hệ thần kinh. Nó cũng can thiệp vào quá trình tổng hợp các hormon giới tính. Bằng cách kích thích sự tổng hợp chất sừng, vitamin B3 tham gia cải thiện vẻ đẹp làn da và mái tóc.

Nhu cầu vitamin B3 hàng ngày của người trưởng thành là từ 15 - 18mg. Cũng như những vitamin khác của nhóm B, nó sẽ được nạp vào cơ thể vận động viên với liều lượng cao hơn. Người nghiện rượu cũng cần nạp vào lượng vitamin B3 cao hơn trung bình. Tuy nhiên, vitamin B3 không lành như ta tưởng bởi chúng có thể là tăng nguy cơ phát triển ung thư vú bộ ba âm tính, khiến ung thư dễ di căn hơn, đặc biệt là di căn đến não nếu tự ý bổ sung quá nhiều. Đây là điều nghiêm trọng bởi hiện chưa có lựa chọn điều trị khả thi nào cho bệnh nhân bị ung thư di căn lên não.

tu-y-bo-sung-vitamin-b3-coi-chung-ung-thu-di-can-nao

 Tự ý bổ sung vitamin B3 có thể gây ung thư di căn não. Ảnh minh họa

"Một số người dùng vitamin và chất bổ sung vì họ cho rằng chúng chỉ mang lại lợi ích tích cực cho sức khỏe, nhưng rất ít người biết về cách chúng thực sự hoạt động" - tờ Medical Xpress dẫn lời Phó giáo sư Goun cho biết.


Với NR, các tác giả cho biết nó đã được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng và đang được nghiên cứu trong rất nhiều thử nghiệm lâm sàng để sử dụng như một loại vi chất bổ sung trong hỗ trợ điều trị một số bệnh, tuy nhiên cách thức hoạt động của nó vẫn là một "hộp đen".

So sánh và kiểm tra mức độ NR có trong tế bào ung thư, tế bào T và các mô khỏe mạnh, họ đã xác định được NR, vốn được biết đến như chất tăng cường năng lượng tế bào hiệu quả, cũng làm tăng mức năng lượng cho tế bào ung thư, khiến chúng trao đổi chất mạnh mẽ hơn và phát triển mau chóng. Điều này cho thấy NR cũng cần được kiểm tra thêm ở các dạng ung thư khác.

Phó giáo sư Goun khẳng định phát hiện này sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều tra cẩn thận về các tác dụng phụ tiềm ẩn của các thuốc bổ sung, thực phẩm chất năng, nhất là ở những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt.

Nhiều bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc bổ, thực phẩm bổ sung với lời tư vấn của chuyên gia, nhưng nhiều người vẫn bỏ qua nó. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Biosensors and Bioelectronics.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, khi dùng vitamin B3 dưới dạng axit nicotinic, niacin có thể dẫn đến huyết áp cao, đau bụng, suy giảm thị lực, tim đập loạn nhịp và tổn thương gan khi tiêu thụ hơn 3 gram mỗi ngày. Dùng liều cao trên 5 gram kéo dài làm suy gan cấp tính và dẫn đến tử vong.

Dùng vitamin B3 quá nhiều còn có thể gây giãn mạch và nửa trên cơ thể, gây nên cơn bốc hỏa buồn nôn, đánh trống ngực, xuất hiện sau khi dùng thuốc, tự hết sau 30 - 40 phút. Do đó, khi bổ sung vitamin B3 cần đặc biệt lưu ý:

Với thuốc điều trị tăng huyết áp: Vitamin B3 là thuốc gây giãn mạch, do đó thường gây ra hiện tượng đỏ bừng mặt và hạ huyết áp. Vì vậy tránh phối hợp vitamin B3 với thuốc điều trị tăng huyết áp vì nó có thể gây ra hạ huyết áp quá mức.

Với thuốc hạ đường huyết: Vitamin B3 phân giải glycogen nên làm tăng đường huyết. Do đó, người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý điều chỉnh liều dùng khi phối hợp với vitamin B3.

Với các nhóm thuốc giảm lipid: Nhóm thuốc statin (nhóm ức chế men khử HGM-CoA: như thuốc simvastatin, lovastatin...) khi kết hợp với vitamin B3 có thể làm gia tăng nguy cơ gây tiêu cơ vân (rhabdomyolysic).

Nhóm thuốc kết hợp acid mật: (như thuốc colestipol, colesevelan, cholestyramin...) vitamin B3 sẽ làm giảm tác dụng, nên cần lưu ý phải dùng cách xa với các thuốc này.

Với carbamazepin (thuốc chống động kinh): vitamin B3 làm tăng nồng độ carbamazepin, dẫn đến làm tăng độc tính cho cơ thể. Nên tránh dùng chung cùng lúc hai thuốc này với nhau.

Với các thuốc chống đông máu: nên tránh kết hợp, do vitamin B3 làm tăng tác dụng của thuốc, gia tăng nguy cơ gây chảy máu. Với thuốc kháng sinh tetracyclin: nên tránh dùng đồng thời, do vitamin B3 làm giảm sự hấp thu và hiệu quả của thuốc.

Theo VietQ