Vụ bắn chết Bí thư tỉnh Yên Bái: Vì sao khởi tố vụ án khi nghi can đã chết?

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao cả nạn nhân và hung thủ trong vụ nổ súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã chết nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn khởi tố vụ án?

Vụ bắn chết Bí thư tỉnh Yên Bái: Vì sao khởi tố vụ án khi nghi can đã chết?

Hiện trường nơi ông Đỗ Cường Minh bắn ông Ngô Ngọc Tuấn khiến ông Tuấn tử vong.

Liên quan tới vụ ông Đỗ Cường Minh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái rút súng bắn Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tại phòng làm việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Giết người".

Trước đó, tại buổi họp báo chiều 18.8, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu đã khẳng định là không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can.

Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng vì sao cả nạn nhân và hung thủ trong vụ án nổ súng bắn chết Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã chết nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn khởi tố vụ án?

Về việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng việc Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án hình sự “Giết người" là cần thiết.


Việc khởi tố vụ án hình sự là để điều tra xem nguyên nhân vụ việc và xác định người thực hiện hành vi phạm tội.

Việc khởi tố vụ án là tiền đề để tiến hành các hoạt động điều tra tiếp theo để làm rõ xem đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có đồng phạm xúi giục không.

Nếu quá trình điều tra có đủ căn cứ chính xác đối tượng Đỗ Cường Minh là người gây án nhưng đã chết và vụ án không có đồng phạm thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án và quyết định không khởi tố bị can.

Luật sư Thơm dẫn Điều 104, luật Tố tụng hình sự quy định về việc Quyết định khởi tố vụ án hình sự: 

1. Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Thủ trưởng đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và Thủ trưởng các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án trong những trường hợp quy định tại Điều 111 của Bộ luật này.

Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của các cơ quan quy định tại khoản này và trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án.

Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

2. Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố, điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và họ tên, chức vụ người ra quyết định.

3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra; quyết định khởi tố kèm theo tài liệu liên quan đến việc khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được gửi tới Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố; quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử phải được gửi tới Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra; yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử được gửi cho Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc khởi tố.

Luật sư Thơn cũng bày tỏ quan điểm cá nhân rằng, đây là vụ việc chưa từng có xảy ra trong lịch sử khi mà một Đảng viên, cán bộ cấp Chi cục trưởng kiểm lâm dùng súng bắn chết 2 cấp trên là lãnh đạo tỉnh và sau đó tự sát.

Đây cũng là bài học đau đớn về công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm về giáo dục ý thức chính trị, phẩm chất cách mạng của các cán bộ trong cơ quan nhà nước trong giai đoạn hiện nay. 

Theo motthegioi