Người Việt ngày càng sính trái cây ngoại

Các loại rau quả của Úc, Mỹ, Thái Lan... từ lâu đã được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Nhưng chất lượng và giá cả hầu như không ai kiểm soát.

Người Việt ngày càng sính trái cây ngoại
Trái cây nhập khẩu được bày bán la liệt trên thị trường, không gắn nhãn mác

Giá trị nhập khẩu tăng 40% so với 2 năm trước

Dù là thị trường có nguồn cung rau củ, trái cây tại chỗ dồi dào, song các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam vẫn đang được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.

Cụ thể, theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 351 triệu USD giá trị rau quả, tăng tới 40% so với cùng kỳ 2 năm trước đó. Đáng chú ý, trong đó lượng nhập khẩu rau quả từ một số thị trường tăng mạnh như: Úc tăng 4 lần đạt gần 20 triệu USD, New Zealand tăng xấp xỉ 2 lần đạt 11,3 triệu USD. Tính riêng tháng 6, giá trị nhập khẩu rau quả từ 2 thị trường này tăng gấp 3 lần.

Trong khi đó, tính tới thời điểm hiện nay, Thái Lan vẫn là nước cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam với tổng giá trị 6 tháng đầu năm đạt 144 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (với 78 triệu USD). Trong cả năm 2015, Việt Nam đã chi 200 triệu USD để nhập rau quả từ thị trường Thái Lan, do đó quốc gia này đã chính thức vượt qua Trung Quốc để giữ vị trí quán quân về xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam. 

Ngoài Úc, New Zealand, Thái Lan..., Mỹ cũng được xem là nhà xuất khẩu rau quả chính sang thị trường Việt Nam với 32 triệu USD. Ngoài ra, các loại rau quả đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil... cũng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.


Nhập nhằng giá cả và chất lượng

Hình thức, mẫu mã, bao bì bắt mắt cùng với tâm lý sính ngoại là những lý do khiến người tiêu dùng trong nước sẵn sàng chi thêm tiền để mua các loại trái cây nhập khẩu.

Trái cây nhập khẩu từ các nước có mặt ở khắp nơi trên thị trường trong nước, từ các chợ đến các siêu thị lớn như: Big C, Lotte Mart… Song mức giá mỗi nơi một khác. Đơn cử, cùng là táo Fuji Mỹ, nhưng ở Big C Thăng Long (Hà Nội) giá 74.900 đồng/kg, ở siêu thị Lotte Mart (phố Tây Sơn, Hà Nội) lên tới 89.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, cam Mỹ và kiwi vàng New Zealand ở Big C có giá 75.900 đồng/kg và 175.900 đồng/kg, sang tới Lotte Mart giá cam giảm 10.000 đồng còn 64.500 đồng/kg, giá kiwi giảm 25.000 đồng còn 147.000 đồng/kg.

Ngoài các siêu thị lớn, nhiều cửa hàng trái cây nhập khẩu trên thị trường và ở chợ dân sinh cũng có mức chênh lệch về giá đáng kể, lên tới hàng trăm nghìn đồng. Không những vậy, trên các trang mạng xã hội, người bán hàng online thường xuyên quảng cáo rầm rộ với mức giá thật rẻ để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong khi chất lượng và nguồn gốc thật của các mặt hàng hoa quả này không thực sự rõ ràng.

Chính sự nhập nhèm về giá cả các loại trái cây cùng xuất xứ đã khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng thật của những mặt hàng này, nghi là hàng Trung Quốc "đột lốt".

Trong khi đó, cơ quan chức năng dường như lại bỏ ngỏ kênh mua bán trên mạng khiến cho thị trường trái cây nhập khẩu online cũng bát nháo không kém trên thị trường thực tế.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, nguyên nhân dẫn tới sự nhập nhằng về chất lượng thật - giả này là do hầu hết các loại hoa quả nhập khẩu trên thị trường đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hầu hết các loại hoa quả được bày bán hiện nay đều rất mập mờ về chất lượng.

Trước thực trạng này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội kiến nghị người tiêu dùng nên hạn chế tiêu thụ các loại trái cây trái mùa vụ, các loại quả được quảng cáo trên mạng là sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ. Nên mua rau củ quả đúng mùa, sản phẩm không quá đẹp mã, mua ở địa chỉ uy tín để gia tăng sự an toàn cho bản thân và gia đình.

Cần lưu ý những loại trái cây nhập khẩu từ các nước cũng đều có mùa vụ nhất định. Cụ thể, cherry Mỹ có từ tháng 5 đến cuối tháng 8, cherry Úc khoảng từ tháng 11 đến 12, kiwi New Zealand vào mùa là từ tháng 6 đến tháng 9, nho Mỹ là tháng 10 và tháng 12.

Theo Tuyết Nhung (một thế giới)